Trang trí bàn thờ ngày Tết là một trong những việc quan trọng và có ý nghĩa to lớn trong văn hóa dân gian của người Việt. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ được cách trang trí và những điều cần tránh khi làm việc này. Hãy cùng nội thất miền Nam khám phá về chủ đề này ngay dưới đây nhé!
Ý nghĩa của việc trang trí bàn thờ ngày Tết
Trước tiên, hãy cùng tìm hiểu về ý nghĩa của việc trang trí bàn thờ ngày Tết. Đây là công việc ưu tiên mà dù có bận rộn đến đâu gia chủ vẫn dành thời gian để làm. Đây là dịp để mọi người nhớ về cội nguồn, tổ tiên, là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt.

Trang trí bàn thờ ngày Tết vào thời điểm nào?
Vậy trang trí bàn thờ vào ngày Tết thì nên thực hiện vào thời điểm nào? Theo quan niệm văn hóa của người phương Đông, việc dọn dẹp và trang trí bàn thờ nên được thực hiện vào tuần cuối cùng của năm, tức là sau ngày 23 tháng 12 âm lịch. Sau khi đã đưa ông Công ông Táo về nhà, gia chủ cần tiến hành trang trí bàn thờ để đón ông bà, thần linh trở về.
Lưu ý khi dọn dẹp bàn thờ gia tiên
Trước khi tiến hành trang trí bàn thờ gia tiên, bạn cần lau chùi và dọn dẹp sạch sẽ, đảm bảo không gian bàn thờ không còn bụi bẩn khi bày biện. Dưới đây là một số lưu ý khi lau chùi bàn thờ, bạn cùng tham khảo nhé!
- Trước khi bắt đầu công việc dọn dẹp, bạn hãy thắp hương để xin phép thần linh và gia tiên. Sau đó, bạn mới đem những vật thờ cúng từ trên bàn thờ xuống để lau dọn.
- Với các bức tượng và bát hương, sau khi lau dọn cần đặt lại đúng vị trí cũ.
- Nên dọn từ trên cao xuống để tiết kiệm thời gian hơn.
- Nếu bạn muốn rút chân nhang, nên để lại một ít chân nhang theo số lẻ như 3, 5, 7…thông thường sẽ là 3. Phần chân nhang rút ra nên đốt thành tro, không nên vứt vào sọt rác.
- Nên lau dọn bàn thờ bằng nước sạch, khăn sạch và rượu cùng bông gòn.

Các vật phẩm cần chuẩn bị khi trang trí bàn thờ ngày Tết
Sau khi đã lau dọn bàn thờ sạch sẽ, bạn cần chuẩn bị đầy đủ vật phẩm để bày trí bàn thờ Tết một cách đầy đủ và chuẩn phong thủy. Đối với miền Nam hay miền Bắc thì các vật phẩm thờ cúng cần phải có đều như sau:
- Bát hương: là vật quan trọng và linh thiêng để thắp nên những nén hương tưởng nhớ người đã khuất, tỏ lòng thành kính với thần linh.
- Lư hương hoặc đỉnh thờ: đây là vật phẩm không thể thiếu trong ngày Tết, thể hiện sự linh thiêng và trang trọng trong không gian thờ cúng.

- Đèn dầu hoặc chân nến: thông thường trên một bàn thờ sẽ cần 2 đèn dầu hoặc 2 chân nến đặt ở hai bên, tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời.
- Đài thờ và chóe thờ: đây là 2 vật phẩm tượng trưng cho sự hòa thuận, sung túc của anh em trong nhà, thêm vào đó là 3 lọ để đựng muối, gạo và rượu.
- Lọ hoa: để trưng bày hoa cúng, đây là vật phẩm không thể thiếu trong ngày thường cũng như ngày Tết.
- Mâm bồng: dùng để bày hoa quả thờ cúng, thể hiện sự biết ơn với người đã khuất.
- Bộ bát cơm và đũa thờ: dùng cho việc cúng kiếng vào mỗi mùng 1, 2, 3 và có thể kéo dài tới mùng 7 theo quan niệm của từng gia đình. 2 vật phẩm này thể hiện sự gắn kết và no ấm như bữa cơm đoàn viên của gia đình ngày Tết.
Cách bố trí bàn thờ gia tiên chuẩn phong thủy
Bàn thờ đã được lau dọn và vật phẩm cũng đã được chuẩn bị đầy đủ cũng là lúc gia chủ bắt tay vào việc trang trí bàn thờ Tết. Cùng tìm hiểu ngay nhé!
Cách sắp xếp các vật phẩm thờ đúng cách
Đầu tiên, hãy bắt đầu vào việc sắp xếp các vật phẩm trên bàn thờ để đảm bảo chuẩn phong thủy, rước tài lộc vào nhà:
- Ngai thờ: được đặt ở vị trí trong cùng, để trên cao sao cho không bị che lấp bởi các vật dụng khác. Bạn cũng có thể xếp thứ tự theo người có vai vế cao nhất hoặc không lập bài vị.
- Bát hương: đặt ở trước bức ảnh thờ, để ở chính giữa và cách mép rìa của bàn thờ một khoảng nhất định sao cho hương tàn không bị rơi vào chum nước.
- Lư hương: đặt ở đối diện và phía sau bát hương. Bạn nên để lư hương cao hơn bát hương.
- Đèn dầu hoặc chân nến: đặt ở hai bên, sát mép rìa ngoài của bàn thờ để tạo không gian cho các vật phẩm khác.
- Đài thờ và chóe thờ: đặt ở bên trái, phía sau của đèn dầu hay chân nến.
- Lọ hoa: bạn có thể đặt ở hai bên trái phải.
- Mâm bồng: đặt ở trước bát hương, bạn có thể chia thành 3 mâm bồng nhỏ đặt xung quanh nếu bàn thờ có diện tích lớn.
- Bát cơm và đũa thờ: đặt ở bên phải, bên cạnh và nhích xuống phía đằng sau bát hương một khoảng nhỏ.

Nguyên tắc trang trí bàn thờ ngày Tết
Khi trang trí, sắp xếp bàn thờ ngày Tết, bạn cần tuân thủ một số nguyên tắc sau để không mang đến điềm xui cho gia đình:
- Bàn thờ ngày Tết cần có đồ để thờ và đồ dùng để cúng. Theo đó, đồ để thờ là những vật đặt cố định trên bàn thờ và không được di chuyển. Với đồ để cúng, gia chủ sẽ cần thay đổi thường xuyên, ví dụ như nước cúng, hoa hay cơm cúng.
- Cần có mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết, tượng trưng cho ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Đây còn là biểu tượng cho sự sung túc, tài lộc và may mắn.
- Đối với đồ cúng, bạn phải chuẩn bị nước, nến hay đèn dầu, thức ăn chay, ly rượu. Đồ cúng cần thay đổi mỗi ngày.
Cách trang trí bàn thờ ngày Tết
Cuối cùng, khi đã sắp xếp được nội thất phòng thờ và vật dụng một cách hợp lý, đảm bảo phong thủy thì cách trang trí sao cho bàn thờ thật trang trọng, đủ đầy cũng vô cùng quan trọng. Cùng nội thất miền Nam tìm hiểu một số cách để bày trí bàn thờ Tết nhé!
Dùng hoa để trang trí bàn thờ Tết
Với bàn thờ Tết, không phải bất kỳ loại hoa nào cũng có thể trưng bày lên. Một số loài hoa thường được dùng để trang trí bàn thờ có thể kể đến như hoa lay ơn, hoa cúc vàng, hoa đồng tiền, hoa đào hoặc hoa mai. Đây đều là những loài hoa sở hữu gam màu đặc trưng là đỏ hoặc vàng. Những màu sắc này là đại diện cho sự may mắn, rước tài lộc vào nhà.
Dùng trái cây trang trí bàn thờ gia tiên ngày Tết
Trái cây giúp cho bàn thờ thêm màu sắc và đủ đầy. Bên cạnh mâm ngũ quả, gia chủ có thể trang trí thêm các loại quả khác như dưa hấu. Dưa hấu tượng trưng cho sự sung túc, bạn có thể đặt 2 quả ở hai bên bàn thờ.
Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng loại dưa vàng để bàn thờ thêm phần tươi sáng mà cũng không kém phần trang trọng.

Dùng bánh chưng trang trí bàn thờ
Bạn có thể trang trí bàn thờ ngày Tết đơn giản với bánh chưng. Đây là loại bánh không thể thiếu trong dịp Tết truyền thống, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhớ đến ông bà tổ tiên.
Vậy là nội thất miền Nam đã cùng bạn tìm hiểu về cách trang trí bàn thờ ngày Tết sao cho chuẩn phong thủy với đầy đủ các bước. Bạn hãy bỏ túi ngay những chia sẻ của bài viết để việc dọn dẹp, bày trí bàn thờ không còn là chuyện khó khăn. Mong rằng sang năm mới, bạn và gia đình sẽ có thật nhiều sức khỏe, niềm vui, mọi chuyện suôn sẻ như ý.